Ngón chân kêu rắc rắc khi cử động báo hiệu điều gì?

Âm thanh rắc rắc hay lục cục ở ngón chân khi cử động có thể là dấu hiệu của viêm khớp hoặc nguy hiểm hơn là gãy xương.

Những tiếng động như rắc rắc, lục cục, lộp bộp do các khớp xương ngón chân tạo ra tuy ít khi nghiêm trọng nhưng vẫn có thể là dấu hiệu của viêm khớp hay gãy xương hoặc các vấn đề khác cần được chăm sóc ngay lập tức.

 
tải xuống (24)
 

Những âm thanh khó chịu này là tình trạng phổ biến, thường do một trong số các nguyên nhân gồm:

Thay đổi áp lực nhanh: đây là một hiện tượng không gây hại, trong đó chân không xuất hiện trong chất dịch bôi trơn xung quanh khớp, giúp giảm ma sát giữa các sụn khớp, được gọi là chất lỏng hoạt dịch. Khi khớp ngón chân uốn cong quá nhanh, giải phóng áp lực nhanh chóng có thể tạo ra âm thanh rắc rắc.

Bong bóng khí: nếu khớp bị kéo duỗi thẳng hoặc uốn cong, các bọt khí có thể dần dần tích tụ trong chất lỏng hoạt dịch ở khoang khớp. Khi khớp thay đổi đột ngột, khí thoát ra ngoài nhanh chóng có thể gây ra tiếng lộp bộp hoặc rắc rắc.

Giãn nhanh dây chằng: dây chằng là các mô sợi kết nối xương với nhau. Nếu một khớp bị uốn cong nhanh chóng, dây chằng có thể phát ra tiếng tách.

Mòn khớp: khi các mô trắng trơn giữa các khớp, được gọi là sụn, bị mòn đi sẽ khiến xương cọ xát với nhau. Điều này có thể gây ra âm thanh như nghiến hoặc lạo xạo khi chuyển động.

Dính khớp: thông thường, sau một chấn thương, các mô sẹo "kết dính" các màng hoặc mô liền kề với nhau. Nhưng khi điều này xảy ra giữa các khớp, sự uốn cong nhanh chóng của khớp có thể khiến độ kết dính bị phá vỡ, tạo ra tiếng rắc rắc hoặc lộp bộp.

Âm thanh rắc rắc khi khớp bị uốn cong được gọi là hiện tượng crepitus, có thể do khí thoát ra nhanh hoặc áp lực giữa các khớp, hoặc do kéo giãn nhanh chóng của các dây chằng khớp, sự bào mòn của các khớp và sự phá vỡ các mô sẹo giữa các khớp. Nếu không kèm theo cơn đau hoặc ảnh hưởng đến khả năng vận động thì việc điều trị là không cần thiết.

Tiếng kêu ở chân khi cử động có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý. Ảnh: Freepik
Tiếng kêu ở chân khi cử động có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý. Ảnh: Freepik

Những loại bệnh lý gây ra tiếng động ngón chân

Khi cử động ngón chân có âm thanh rắc rắc kèm theo cơn đau, có thể là dấu hiệu của các chấn thương.

Chấn thương ngón chân

Tiếng rắc rắc ở ngón chân có thể là dấu hiệu của một chấn thương cũ đã phá vỡ vị trí bình thường của khớp hoặc khiến các mô sẹo phát triển trong khe khớp. Sự liên kết không đồng đều của khớp hoặc bề mặt khớp gây ra âm thanh rắc rắc, lạo xạo hoặc lộp bộp. Một trong những nguyên nhân là sự phát triển của các gai xương, còn được gọi là các tế bào sinh xương, chúng phát triển sau một chấn thương khi cơ thể cố gắng làm lành xương nhanh chóng. Âm thanh lộp cộp xuất hiện khi bề mặt nhẵn của sụn cọ xát với gai xương.

Gãy xương do mỏi

Gãy xương bàn chân do mỏi là một vết nứt nhỏ trên xương, thường xảy ra do lực tác động thấp lặp đi lặp lại. Tình trạng này thường xuất hiện ở các vận động viên, kể cả vận động viên chạy đường dài, nhưng cũng không loại trừ do chấn thương đột ngột. Các triệu chứng của gãy xương do mỏi có thể không rõ ràng và chỉ gây đau khi có áp lực đè lên khớp. Nhưng, âm thanh rắc rắc phát triển cùng với đau ngón chân, thường là dấu hiệu cho thấy gãy xương do mỏi đang tiến triển thành tình trạng gãy xương thật sự.

Viêm khớp

Có hai loại viêm khớp chính là viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp. Cả hai đều gây ra sự bào mòn của sụn khớp và phát triển của các gai xương.

Viêm xương khớp còn được gọi là viêm khớp do mòn có xu hướng xảy ra ở người cao tuổi, trong khi viêm khớp dạng thấp có thể phát triển ở mọi lứa tuổi. Viêm xương khớp thường sẽ ảnh hưởng đến một khớp cụ thể ở một bên của cơ thể, nhưng viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến cùng một khớp ở cả hai bên của cơ thể. Ngoài ra, với viêm khớp dạng thấp, thường sẽ bị sưng khớp và mệt mỏi.

Bệnh Gout

Bệnh gout, một bệnh tự miễn dịch thường xuất hiện ở ngón chân (đặc biệt là ngón chân cái). Còn được gọi là viêm khớp gút, tình trạng này do sự tích tụ của các tinh thể axit uric trong khe khớp, dẫn đến viêm gây ra cơn đau và sưng ngón chân. Bệnh gout có xu hướng phát triển nhanh chóng và thường có thể cực kỳ nghiêm trọng. Theo thời gian, bệnh gút có sự hình thành các chất lắng đọng vón cục, được gọi là tophi (cục u nhỏ màu trắng ở dưới da do sự lắng đọng tinh thể muối urat hoặc axit uric), ăn mòn xương và sụn, đồng thời làm tăng tình trạng rắc rắc của ngón chân.

Theo thống kê có hơn 100 loại viêm khớp có thể ảnh hưởng đến bàn chân và mắt cá chân, trong đó phổ biến nhất bao gồm viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp. Các triệu chứng của bệnh viêm khớp đặc trưng cho ngón chân bao gồm: đau ngón chân khi cử động, đặc biệt là khi đi bộ hoặc chạy, cứng khớp, khó khăn khi đi bộ hoặc leo cầu thang, biến dạng khớp và âm thanh rắc rắc (hiện tượng crepitus). Làm việc quá sức và áp lực quá mức lên các khớp có thể góp phần làm khởi phát bệnh viêm xương khớp.

Tùy thuộc vào loại viêm khớp, cách điều trị có thể tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng hoặc điều trị bệnh nền. Một số phương án giúp cải thiện viêm khớp ngón chân bao gồm nghỉ ngơi, nâng cao chân để giảm viêm và đau; chườm đá để giảm sưng và đau; ứng dụng nhiệt để cải thiện độ linh hoạt của khớp và giảm độ cứng...

Ngoài ra, bác sĩ có thể dùng dụng cụ chỉnh hình bàn chân và miếng lót giày để giảm bớt áp lực lên các ngón chân; dùng thuốc ức chế miễn dịch để kiểm soát rối loạn tự miễn dịch cơ bản. Khi ngón chân bị biến dạng hoặc mất khả năng vận động, có thể phải phẫu thuật.

Tiếng kêu rắc rắc hoặc lộp bộp ở các khớp có thể do tuổi tác, nhưng không phải là điều tất yếu trong quá trình lão hóa. Người đã có tuổi nên trao đổi với huấn luyện viên cá nhân hoặc nhà trị liệu vật lý để chuyển từ các hoạt động có tác động mạnh như chạy bộ sang các hoạt động có tác động nhẹ hơn như bơi lội để bảo vệ khớp và tăng khả năng vận động lâu dài. Vận động phù hợp sẽ giúp bảo vệ các khớp dễ bị tổn thương của đầu gối, mắt cá chân, bàn chân và ngón chân, hạn chế tình trạng bị tiếng kêu lục cục hoặc rắc rắc ở các khớp khi vận động.

Theo VeryWellHealth